|
Lượt xem:
Cỡ chữ: A- A A+
Xã Ngọc Châu thuộc huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, phía Bắc giáp xã Lam Cốt và xã An Dương, phía Đông giáp xã Cao Xá, phía Nam giáp xã Ngọc Thiện, con sông máng ở phía Tây là ranh giới với xã Song Vân. Từ thành phố Bắc Giang theo con đường số 398 (nay là Quốc lộ 17) về phía Bắc 15 km

I. ĐỊA LÝ TỰ NHIÊN VÀ DÂN CƯ

Xã Ngọc Châu thuộc huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, phía Bắc giáp xã Lam Cốt và xã An Dương, phía Đông giáp xã Cao Xá, phía Nam giáp xã Ngọc Thiện, con sông máng ở phía Tây là ranh giới với xã Song Vân. Từ thành phố  Bắc Giang theo con đường số 398 (nay là Quốc lộ 17) về phía Bắc 15 km, đến thị trấn Cao Thượng. Từ thị trấn Cao Thượng theo con đường số 295 về phía Tây 6 km là đến xã Ngọc Châu.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà hợp nhất 3 xã Ngọc Châu, Ngọc Cục thuộc tổng Ngọc Cục và Khánh Giàng thuộc tổng Yên Lễ, Phủ Yên Thế thành một xã lấy tên là xã Quang Minh, huyện Yên Thế. Ngày 5 tháng 11 năm 1957, huyện Yên Thế được chia thành hai huyện là Yên Thế và Tân Yên, xã Quang Minh thuộc huyện Tân Yên. Từ tháng 4 năm 1963, tỉnh Hà Bắc ra đời, xã Quang Minh thuộc huyện Tân Yên, tỉnh Hà Bắc. Năm 1971, xã Quang Minh đổi tên thành xã Ngọc Châu. Từ tháng 1 năm 1997, tỉnh Bắc Giang được tái lập, xã Ngọc Châu thuộc huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.

Xã Ngọc Châu trước đây có 15 thôn: Thôn Quang Châu gồm 1 làng và 1 trại. Làng Trũng- trước đây cùng chung với Tân Châu, khi Hoàng Hoa Thám nổi dậy khởi nghĩa chống thực dân Pháp (1884), làng chia đôi, phần ngoài gọi là Trũng Ngoài, phần trong gọi là Trũng Trong, nay gọi chung là Quang Châu và Trại Công Đoàn; thôn Tân Châu ở vườn Ngoài hay Trũng Ngoài; thôn Phú Thọ trước năm 1945 còn gọi là ấp Phù Ngọc, ấp Đào Ký, ấp Trũng hay ấp Trại Cau, năm 1955 đổi thành thôn Phú Thọ; thôn Ngọc Lợi; thôn Bằng Cục; Trại Mới; Trung Đồng; Tân Minh; Khánh Giàng; thôn Cầu Xi gồm các Trại Đình, Gốc Mít, Bổ, Rừng Cầu, Cầu Xi; thôn Bình An; Châu Sơn; Lộc Ninh và hai thôn Tân Trung 1, Tân Trung II. Đến năm 2019, sáp nhập 6 thôn thành 3, hiện nay xã có 12 thôn: Bình An, Bằng Cục, Tân Minh, Ngọc Lợi, Quang Châu, Tân Phú, Cầu Xi, Châu Sơn, Khánh Ninh, Trại Mới, Tân Trung, Trung Đồng.

Ngọc Châu là một xã như nhiều xã của tỉnh Bắc Giang, nằm ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc, mang đặc trưng khí hậu hai mùa rõ rệt. Từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 3 năm sau là mùa khô, giá rét, có đợt giá rét kéo dài năm bảy ngày, nhiệt độ xuống tới 40C-50C, kèm theo mưa phùn, gió bấc từ phương bắc thổi về.

Từ tháng 4 cho đến hết tháng 9 là mùa mưa, nóng ẩm, thường có gió đông nam mang theo hơi nước, thời tiết dễ chịu hơn, xong cũng rất hay xuất hiện mưa to, lốc xoáy, bão tố. Nhiệt độ mùa hè dao động từ 22 đến 370C, số giờ nắng trong năm từ 1760 đến 1770; nhiệt độ trung bình cả năm từ 22 đến 24oC. Lượng mưa hàng năm ở Ngọc Châu vào loại trung bình của tỉnh, đạt trên dưới 1500mm.

Xã Ngọc Châu có Tổng diện tích đất tự nhiên của xã 936,62 ha. Điều kiện tự nhiên của Ngọc Châu thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp: trồng trọt nhiều vụ trong năm với đa dạng cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi, có tiềm năng mở mang thương nghiệp, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp.

Dần theo năm tháng, cùng với sự sinh sôi của người dân bản địa, do những biến động về tự nhiên và xã hội, nhất là vào các thời Trần, Lê, Nguyễn, người của nhiều vùng nghề Việt Yên, Yên Dũng, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Ninh tụ hội về đây sinh cơ lập nghiệp. Hiện nay Ngọc Châu có hàng chục dòng họ chung sống đoàn kết xây dựng quê hương, trong đó có bề dày thời gian hơn cả là dòng họ Thân, họ Trần, họ Nguyễn.

Trước tháng 8 năm 1945, xã Ngọc Châu (cả 3 xã Khánh Giàng, Ngọc Châu và Ngọc Cục) có 210 hộ với 1899 nhân khẩu.

Năm 1980, xã Ngọc Châu có 868 hộ với 3.850 nhân khẩu. Năm 2003, xã Ngọc Châu có 1.540 hộ với 6.570 nhân khẩu, trong đó số người dưới tuổi 18 chiếm 35%, người trong độ tuổi lao động (từ 18 đến 60) chiếm 35%; người Kinh chiếm 97% dân số toàn xã, 3% còn lại là người Tày. Đến 31/12/2020, xã có 1.925 hộ với 8.124 khẩu được phân bố ở 12 thôn trong xã.

II. TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ

Sự hình thành cộng đồng làng xã, cộng đồng dân cư tạo ra nét văn hoá tiêu biểu của Ngọc Châu, đó là nét văn hoá mở.

Ở Ngọc Châu, người dân có tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên; thờ thành hoàng - linh hồn của làng, người phù hộ và bảo vệ dân làng giàu có, bình yên; thờ các vị có công khai khá, xây dựng xóm làng, theo đạo Phật và đạo Thiên Chúa. Ở Ngọc Châu có đình chùa làng Bằng, đình chùa làng Trũng; có nghè Trũng, nghè Bằng; có miếu Bình An, Ngọc Lợi, Cầu Xi, có nhà thờ Khánh Giàng, nhà thờ Trũng, nhà thờ Châu Sơn được xây dựng trong năm 1919, 1920.

Từ xưa trong các ngày lễ hội (Xuân thu nhị kỳ), nhân dân các làng xóm đều tổ chức tế thần, đấu vật, chọi gà, diễn tuồng, hát chèo... cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, xóm làng bình yên, thể hiện tinh thần thượng võ và say mê các hình thức sinh hoạt văn hoá độc đáo của dân tộc.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Ngọc Châu cũng như nhiều vùng quê khác của tỉnh Bắc Giang, người nắm quyền hành chính cao nhất xã là lý trưởng. Giúp việc lý trưởng là một phó lý - chuyên trông coi việc phu phen tạp dịch; một trương tuần làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, một thư ký hộ lại với nhiệm vụ quản lý hộ khẩu, khai sinh, khai tử, giá thú; một trưởng bạ làm nhiệm vụ đo đạc và quản lý ruộng đất.

Trong làng xã, con người kết nối, liên hệ với nhau thông qua nghĩa vụ công dân, theo trách nhiệm trong cộng đồng, theo phong tục tập quán, theo dòng họ, gia đình, theo phe giáp phường hội, ngõ xóm, độ tuổi, giới tính...

Cùng với các điều kiện tự nhiên, điều kiện và kết cấu xã hội của Ngọc Châu đã thể hiện điều kiện và khả năng phát triển kinh tế nông nghiệp, chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi thả cá.

Ngoài trồng trọt và chăn nuôi, nhân dân Ngọc Châu còn biết chế biến gạo, sắn, ngô, khoai thành các loại bánh; đan lát mây tre thành các đồ gia dụng, làm thợ mộc, thợ xây, làm gạch, làm ngói... trong các mùa vụ nông nhàn và góp phần tăng thu nhập, thêm tiện nghi cho sản xuất và sinh hoạt.

Mặc dù Ngọc Châu không có chợ, xong quanh xã có nhiều chợ nổi tiếng như: Chợ Mọc, chợ Vồng, chợ Dĩnh, chợ Bỉ, chợ Rừng Quanh, chợ Nhã Nam (chợ Tỉnh Đạo)... có đường 295 chạy qua nối thị trấn Cao Thượng (Huyện lỵ huyện Tân Yên) với thị trấn Thắng (huyện lỵ huyện Hiệp Hoà) là những điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương nghiệp, dịch vụ phát triển. Hàng hoá nông sản và cả những nét văn hoá riêng của Ngọc Châu vẫn được trao đổi, giao lưu thông thương với nhiều làng quê khác trong và ngoài phủ, huyện.

Mặc dù chưa phải là một vùng quê giàu có và sầm uất, song đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân Ngọc Châu trước đây đã khá vững vàng, ổn định, cùng với các xã khác tạo nên bộ mặt kinh tế - xã hội của phủ Yên Thế - một phủ mà cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp phải thừa nhận: Dân cư ở đây sống sung túc, thịnh vượng, yên ổn, điều mà người ta ít thấy ở phần lớn các nơi khác tại vùng đồng bằng của Bắc Kỳ.

Cùng với công cuộc khai sơn phá thạch, khắc phục thiên tai, xây dựng cuộc sống, xây dựng quê hương đất nước, từ rất sớm người dân Ngọc Châu đã phải liên tục chiến đấu chống giặc giã bảo vệ cuộc sống, bảo vệ quê hương đất nước.

Cho đến ngày nay ở Ngọc Châu vẫn còn lưu giữ nhiều dấu tích của các cuộc chiến đấu đánh đuổi giặc giã, bảo vệ xóm làng. Cánh đồng mang tên "Đồng Đánh", nghè thờ Đại Trận, câu phương ngôn "Làng Giữa có tướng, làng Thượng có gái tiến vua"... là những minh chứng ấy.

Triều Nguyễn ngay từ khi mới thành lập đã có nhiều chính sách và hành động đối lập với nhân dân, xô đẩy nhân dân ở nhiều nơi đi đến chỗ phản kháng. Đầu thế kỷ XIX, Phạm Tiến Tuấn - trấn thủ trấn Kinh Bắc phải tâu về triều đình: "Các huyện Kim Hoa, Yên Thế, Hiệp Hoà trấn Kinh Bắc... đều là nơi quan yếu, bọn côn đồ thường hay ẩn nấp ra vào nơi đó" để chống lại triều đình. Những năm 1871, 1872, rồi 1876, 1877, thổ phỉ Ngô Côn tràn vào gây rất nhiều đau thương cho nhân dân trong xã. Dưới sự chỉ huy của Trần Văn Lầm, Trần Văn Kình, Nguyễn Văn Trụ, hàng trăm người dân Bằng Cục - chủ yếu là thanh niên trai tráng, tự trang bị giáo mác, gậy gộc, cung tên... bày binh bố trận đánh trả bọn phỉ một cách quyết liệt, tiêu diệt hàng trăm tên, giữ lại được nhiều của cải, giải thoát được nhiều người.

Trung tuần tháng 3 năm 1884, thực dân Pháp kéo quân đánh vào tỉnh Bắc Giang. Ngày 15 tháng 3, Mi Lô tổ chức đánh chiếm Yên Thế và 4 ngày sau chúng chiếm được thành Tỉnh Đạo (nay là xã Quang Tiến, huyện Tân Yên), phá huỷ, cướp bóc nhiều tài sản, giết hại rất nhiều người.

Từ đây nhân dân Ngọc Châu cùng với nhân dân Yên Thế và nhân dân cả nước liên tục vùng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Dưới cờ khởi nghĩa của Hoàng Đình Kinh, Nguyễn Cao, Cai Biều - Tổng Bưởi, Lưu Kỳ - Hoàng Thái Nhân... đặc biệt là cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo, nhân dân Ngọc Châu đã tham gia chiến đấu quyết liệt, bảo vệ quê hương đất nước. Thống Luận, Đề Gạo, Trương Lẫm, Tổng Phụ - người của đất Ngọc Châu - là những tướng lĩnh của cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã làm nên nhiều vũ công hiển hách.

Đề Thám (tức Trương Văn Thám, Hoàng Hoa Thám) quê gốc ở Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Sau khi cả cha là Trương Văn Thận và mẹ là Lương Thị Hào hy sinh trong cuộc khởi nghĩa chống triều đình nhà Nguyễn năm 1846, Hoàng Hoa Thám phải lánh vào Thanh Hoá, rồi lại trở ra sống ở làng Trũng, Ngọc Châu, Yên Thế. Lúc nhỏ, Thám đi ở cho Bá Phức - Chánh tổng, người làng Trũng. Năm 16 tuổi, Hoàng Hoa Thám tham gia cuộc khởi nghĩa do Cai Vàng (tức Hoàng Đình Kinh) chỉ huy. Sau khi Cai Vàng mất, cuộc khởi nghĩa Cai Vàng thoái trào, Hoàng Hoa Thám đầu quân cuộc khởi nghĩa của Giáp Văn Trận - còn gọi là Đại Trận - ở xã Ngọc Lý. Sau cuộc chiến đấu chống quân triều đình năm 1874, Hoàng Hoa Thám cùng các tướng lĩnh Đốc Bình, Lãnh Mai, Chánh Kỳ, Đốc Tự, Đốc Bể, Đốc Lẫm, Đốc Ảm... về Ngọc Châu củng cố và phát triển lực lượng, tiếp tục hoạt động trong một vùng rộng lớn Việt Yên, Hiệp Hoà, Yên Phong, Lạng Giang... Giữa năm 1885, Hoàng Hoa Thám tham gia cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Với tinh thần quyết tâm chống thực dân Pháp, với tài thao lược và những chiến công, năm 1892 Hoàng Hoa Thám chính thức trở thành lãnh tụ tối cao của cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo không ngừng lớn mạnh. Địa bàn cuộc khởi nghĩa có lúc đã được mở rộng ra cả Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc... Tướng lĩnh và nghĩa quân của cuộc khởi nghĩa liên tục giáng cho quân xâm lược Pháp những đòn đau đớn.

Dưới sự chỉ huy của lãnh tụ Hoàng Hoa Thám, nhân dân Ngọc Châu sát cánh cùng nhân dân Yên Thế và cả vùng rộng lớn mấy tỉnh đã chiến đấu kiên cường bất khuất gần 30 năm liên tục. Cuộc khởi nghĩa Yên Thế mãi mãi được ghi đậm trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc.

Nhiều di tích phản ánh phong phú về khởi nghĩa Yên Thế như đình Trũng, đền thờ Hoàng Hoa Thám, chùa Trũng, điếm Trũng (thuộc quần thể Khu Lưu niệm danh nhân Hoàng Hoa Thám, đã được Nhà nước công nhận Khu di tích cấp Quốc gia đặc biệt vào ngày 10 tháng 5 năm 2012).

Đình Trũng

Theo truyền thuyết, đình Trũng xưa kia được Hoàng Hoa Thám xây dựng ở Tân Châu (Trũng Ngoài). Sau đó Thống Luận đã di chuyển đình về Trũng Trong có vị trí liền kề trước chùa Trũng. Đình xưa bao gồm tòa tiền đình gồm 3 gian nối với hậu cung một gian tạo thành bố cục hình chữ đinh. Đình Trũng xưa có 2 đạo sắc do các đời vua Nguyễn phong cho thành hoàng làng Trũng thờ hai thánh Cao Sơn và Quý Minh đại vương. Sau khi Hoàng Hoa Thám mất, để tỏ lòng thành kính, nhân dân địa phương đã tôn thờ ông ở trong đình cùng thành hoàng làng. Trải qua thời gian, đình Trũng bị xuống cấp nay chỉ còn nền móng ở phía trước chùa Trũng.

Đền thờ Hoàng Hoa Thám

Sau khi Hoàng Hoa Thám bị sát hại, để nhớ công ơn và tỏ lòng thành kính, nhân dân làng Trũng đã xây dựng ngôi đền làm nơi tưởng niệm ông. Đền thờ hiện nay ở vị trí trước khu di tích đình, chùa Trũng, nhìn hướng Đông Nam, gồm 3 gian theo bố cục hình chữ nhất. Bên trong bài trí tượng Hoàng Hoa Thám được đúc bằng đồng cao 150 cm. Bên hồi trái treo một bức tranh của gia đình Đề Thám và các con tại Phồn Xương. Trong đền hiện nay có câu đối:

Sấm dậy Phồn Xương chí lớn anh hùng vang bốn biển

Mây trùm Yên Thế khí thiêng sông núi khắc ngàn thu

Chùa Trũng

Chùa Trũng xưa kia được xây dựng ở trên cùng dải đất với đình theo lối tiền thần, hậu Phật. Trải qua thời gian, chùa Trũng đã nhiều lần tu tạo. Sau khi Đề Thám mất, do đình Trũng bị hỏng, nên nhân dân đã đưa Hoàng Hoa Thám về thờ ở chùa. Chùa được xây dựng ở phía sau đình, hướng Đông Nam, nhìn bao quát ra ngoài. Chùa bao gồm tòa tiền đường một gian, hai chái nối với tòa thượng điện một gian tạo thành bình đồ kiến trúc hình chữ đinh. Bên trong chùa bài trí các pho tượng phật và một số đồ thờ khác…

Điếm Trũng

Theo truyền thuyết, điếm Trũng xưa được xây dựng quy mô to lớn. LÚc còn nhỏ, Hoàng Hoa Thám cùng một số trẻ chăn trâu trong làng thường đến diếm để chơi đánh xu, đánh đáo, chơi trận giả…Lớn lên Đề Thám và Đại Trận trở thành hia vị tướng giỏi, có mối quan hệ mật thiết để bàn cách đánh giặc. Sau khi Đề Thám và Đại Trận mất, nhân dân làng Trũng thờ hai ông ở điếm này.Nhân dân đã tạc tượng hai vị tướng thờ ở điếm.

Nơi ở của Hoàng Hoa Thám thời niên thiếu

Là nơi Hoàng Hoa Thám đã sống từ lúc 5 đến 6 tuổi cho đến khi 17- 18 tuổi. Sau khi khởi nghĩa Yên Thế thất bại, con trai Đề Thám là Hoàng Hoa Phồn đã về ở nhà năm xưa. Sau khi ông Phồn mất, do không có ai ở nên trải qua thời gian nhà chỉ còn nền móng. Sau này, các con cháu trong họ đã xây tường bao quanh làm nơi tưởng niệm.

Khu mộ của gia đình Hoàng Hoa Thám

Cùng với việc xây dựng đền thờ Hoàng Hoa Thám, công việc quy tập phần mộ thân nhân của Hoàng Hoa Thám được con cháu trong họ và nhân dân địa phương quan tâm. Khu mộ của gia đình Hoàng Hoa Thám gồm:

  • Mộ cụ Nguyễn Thị Tảo, vợ cả anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám.
  • Mộ cụ Đặng Thị Nho (bà Ba Cẩn), vợ ba của anh hùng Hoàng Hoa Thám mất năm 1913.
  • Mộ ông Hoàng Hoa Trọng (1877- 1909), co cả của anh hùng Hoàng Hoa Thám.
  • Mộ bà Trần Thị Hoan, vợ cả của Hoàng Hoa Trọng…

Hằng năm, hội lệ ở khu di tích được tổ chức chung vào ngày 5 tháng giêng.
Đình Bằng Cục

Qua khảo sát kết cấu hệ thống chịu lực trong đình, nghệ thuật chạm khắc trên đầu kẻ, đầu dư, ván bưng thượng cung, cửa võng và tài liệu dân gian cho biết đình Bằng Cục hiện nay là công trình kiến trúc của thời Lê Trung Hưng cuối thế kỷ XVII. Được trùng tu vào thời Nguyễn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đình Bằng Cục thờ đức thánh Cao Sơn, Quý Minh. Kết cấu tòa đại đình 3 gian 2 chái, bình đồ kiến trúc hình chữ nhất có chiều dài 20,4m, rộng 10,6m, ngoảnh hướng Nam ghé Đông. Trước cửa đình là khoảng sân rộng được lát bằng gạch chỉ, thấp hơn nền đình 40cm. Với điêu khắc nghệ thuật tinh tế, điêu luyện đã tôn đình Bằng Cục trở thành một bảo tàng kiến trúc mỹ thuật điển hình thời Lê Trung Hưng (cuối thế kỷ XVII).

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đình Bằng Cục là địa điểm liên lạc của nghĩa quân Đề Thám. Trong thời gian hoạt động tại đây, Đề Thám cho quân lên rừng Ngàn Ván lấy gỗ tu sửa lại đình. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1946-1954, đình là trụ sở làm việc của UBKCHC xã Quang Minh và là nơi học tập của con em trong xã. Đồng thời là nơi tập luyện quân sự của Trung đoàn Bắc Bắc tăng cường lực lượng cho chiến trường Điện Biên Phủ (giai đoạn 1951-1952). Đây là công trình có giá trị tiêu biểu về kiến trúc nghệ thuật- mang nét đặc trưng của nghệ thuật kiến trúc thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII).

Lễ hội của nhân dân địa phương vào ngày 12 tháng Giêng hàng năm. Trong hội có nhiều trò chơi dân gian độc đáo: Chọi gà, đấu vật, kéo co...

Ngày 18 tháng 11 năm 2015, Đình Bằng Cục đã được Nhà nước công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Truyền thống lịch sử văn hóa tiếp tục bảo tồn và phát huy trong cuộc Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và hiện nay khi Đảng bộ, chính quyền  và nhân dân xã Ngọc Châu đang ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

 

 

Bản đồ xã Ngọc Châu Bản đồ xã Ngọc Châu

<a href="https://www.bacgiang.gov.vn/web/ubnd-xa-ngoc-chau/thu-vien">Thư viện ảnh</a> Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 12,492
Tổng số trong ngày: 32
Tổng số trong tuần: 7,093
Tổng số trong tháng: 10,777
Tổng số trong năm: 220,476
Tổng số truy cập: 547,772